test

Người Hàn Quốc nổi tiếng vì làm việc nhiều giờ. Mỗi công chức Hàn Quốc làm việc trung bình 2.357 giờ/năm tương đương 6,5 giờ/ngày trong cuộc đời của họ. 

Nếu bạn nghĩ bạn đã làm việc hết sức chăm chỉ, hãy thử nhìn vào thời gian làm việc của anh Lee 39 tuổi người Hàn Quốc. Anh là công chức nhà nước làm việc tại Bộ Nông Nghiệp và Ngư Nghiệp Hàn Quốc. 

Anh thức dậy hàng ngày lúc 5h30 phút sáng, làm một số việc cá nhân sau đó đi tàu điện ngầm đến thủ đô Seoul để bắt đầu công việc vào lúc 8h30 phút. Một ngày làm việc của anh khá dài, anh chỉ ra khỏi công sở lúc 9h tối và thậm chí muộn hơn.
Khi anh về đến nhà, anh lao lên giường ngủ và 4 tiếng sau, một vòng quay như vậy lại bắt đầu. Lịch trình này kéo dài 6 ngày mỗi tuần và trong suốt cả năm. Một năm anh chỉ nghỉ phép duy nhất 3 ngày.

Anh chỉ có thời gian khoảng 15 phút mỗi ngày để gặp vợ và 3 con. Thậm chí cả ngày chủ nhật anh cũng phải đến công ty khi một số công việc có yêu cầu gấp.

Anh đôi khi không về nhà mà ngủ ngay tại công ty. Nếu chỉ nhìn vào anh Lee, chúng ta thường nghĩ anh là một người quá đam mê công việc. 

Tuy nhiên lịch làm việc như vậy là hết sức bình thường tại Hàn Quốc nơi mỗi công chức làm việc trung bình 2.357 giờ/năm tương đương 6,5 giờ mỗi ngày trong cuộc đời của họ. 

Theo bảng xếp hạng năm 2008 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) , người Hàn Quốc làm việc nhiều nhất so với người dân các nước thành viên khác thuộc tổ chức này.
Anh Lee cho biết đó là văn hóa làm việc của Hàn Quốc. Anh nói:” Chúng tôi luôn chú ý đến những gì ông chủ của chúng tôi nghĩ về hành vi của chúng tôi. Việc rời công sở lúc 6h tối đồng nghĩa với việc sẽ không được thăng chức hay tăng lương. Nếu tôi đi nghỉ dài, tôi chắc chắn sẽ mất việc.”

Phong cách làm việc như trên của người Hàn Quốc không phải là duy nhất. Người Hy Lạp đứng thứ hai trong bản xếp hạng của OECD với 2.052 giờ làm việc mỗi năm, đứng sau Hy Lạp là một loạt các nước Đông Âu : cộng hòa Séc, Hungary và Phần Lan. Số giờ làm việc của người Mỹ đứng ở vị trí thứ 9, mỗi người Mỹ một năm trung bình làm việc khoảng 1.797 giờ/năm.

Pháp nổi tiếng với số lượng làm việc trong tuần thấp. Một tuần người dân nước này chỉ làm việc trung bình khoảng 35 giờ. Tuy nhiên Pháp không phải là nước có số giờ làm việc thấp nhất, Hà Lan mới là nước đứng ở vị trí này. Số giờ làm việc trong 1 năm của người Hà Lan là 1.391 giờ.

Theo anh Lee, văn hóa là một trong những yếu tố chính khiến số giờ làm việc thấp hơn tại các quốc gia, tuy nhiên chủng loại công việc và thời gian nghỉ theo luật pháp quy định cũng hết sức quan trọng. 

Tại một số nước như Anh, nước đứng vị trí thứ 20 trong danh sách này, thời gian làm việc trong tuần khá dài, tuy nhiên số lượng ngày nghỉ cũng nhiều, một năm 10 ngày. Người Pháp được nghỉ khá nhiều, khoảng 5 tuần mỗi năm.

Hy Lạp và Ý đứng ở vị trí khá cao, vị trí lần lượt là thứ 2 và thứ 8 bởi số lượng người làm độc lập khá nhiều. Mehyco đứng ở vị trí thứ 7 cũng vì lý do trên. 

Một lý do khác khiến số giờ làm việc khác nhau tại các quốc gia là chính sách của chính phủ, cụ thể là chính sách thuế. Mức thuế đánh vào thu nhập có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên số giờ làm việc.

Số giờ làm việc tại châu Âu và Mỹ cũng hết sức khác nhau. Đây là lý do tại sao đã có người nói người châu Âu lười biếng trong khi người Mỹ quá ham mê công việc.

Trước thập niên 1970, người châu Âu làm việc với số giờ nhiều hơn người Mỹ, cho đến giữa thập niên 1980, người Mỹ bắt đầu đuổi kịp người châu Âu về vấn đề này. 

Số giờ làm việc của Mỹ và châu Âu đều giảm từ năm 1960, tuy nhiên mức độ giảm tại châu Âu nhanh hơn tại Mỹ. Số giờ làm việc tại châu Âu từ thập niên 1960 giảm 23% trong khi mức giảm này tại Mỹ chỉ là 3%.

Tại Hàn Quốc, sự thay đổi về số giờ và số ngày làm việc diễn ra hết sức chậm chạp. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chính sách làm việc 5 ngày/tuần đối với các trường học và công ty với số nhân viên hơn 1.000 người. 

Tuy nhiên với truyền thống làm việc quá chăm chỉ tồn tại quá sâu trong tiềm thức, sự thay đổi cho đến nay là chưa nhiều.
Theo ông Michael Breen, tác giả của cuốn sách “The Koreans” , sự tự tôn của người Hàn Quốc đến từ chức vụ trong công việc của anh ta, đó là lý do tại sao người Hàn Quốc thường thích gọi nhau bằng chức vụ như quản đốc Kim hay kế toán Park ngay cả ngoài chỗ làm việc.

Tại Hàn Quốc, họ sẽ hết sức xấu hổ nếu rời công sở trước khi ông chủ về, cho nên ngay cả khi không còn việc gì để làm, họ cũng sẽ loanh quanh với một việc lặt vặt nào đó. Cho đến khi ông chủ về, họ mới về. 

Điều này cho đến nay đã được một số người Hàn Quốc ý thức là không hợp lý và đã có cố gắng thay đổi.

OECD là gì?

OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. 

Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia.

Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. 

Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Trang web chính thức: http://www.oecd.org/
Ngọc Diệp
Theo Forbes/CafeF
 
Top