test

Hình ảnh những phiên dịch viên vẻ ngoài bóng bẩy, chuyên nghiệp xuất hiện trong những hội nghị, hội thảo tầm cỡ quốc gia, quốc tế đã trở thành giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ mang trong mình đam mê ngoại ngữ. Lê Huy Khoa - trợ lý ngôn ngữ của Đội tuyển U23 Việt Nam với 20 năm kinh nghiệm phiên dịch sẽ vén bức màn bí ẩn để chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về phía “hậu trường” nghề dịch. Cuốn sách tuy mỏng nhưng đã cô đúc hết những kinh nghiệm, bí quyết và nguyên tắc làm nghề của một phiên dịch viên đã trên đỉnh cao của sự nghiệp.

20 năm kinh nghiệm thực chiến:

Lê Huy Khoa - tác giả của cuốn cẩm nang này chắc có lẽ chẳng còn xa lạ gì với những người hâm mộ bóng đá, những người đã lỡ yêu tiếng Hàn hay cộng đồng dịch thuật. Bắt đầu nghề phiên dịch từ năm 1995, đến nay ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. Hiện tại, ông đang là hiệu trưởng của trường Hàn ngữ Kanata, trợ lí ngôn ngữ của Đội tuyển U23 Việt Nam, người giữ kỉ lục biên soạn nhiều giáo trình Hàn - Việt nhất Việt Nam, giảng viên đại học Shunchonhyang Hàn Quốc, Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành... Bằng cương vị của một phiên dịch viên kì cựu, trải qua tất cả những khó khăn cũng nếm trải những vinh quang của nghề dịch, Lê Huy Khoa đã đồng hành với rất nhiều doanh nhân, chính khách nổi tiếng của Việt Nam trong các sự kiện quan trọng; đồng thời, ông cũng một người thầy huấn luyện và trực tiếp truyền lửa cho cá thế hệ sau. Đúng với tư duy của một người làm ngôn ngữ, cuốn sách của ông được truyền đạt rất dễ hiểu và khoa học.

Bố cục cuốn sách gồm 6 phần, mỗi phần trả lời một câu hỏi, trong mỗi phần là những câu hỏi khác nhau đảm bảo phủ rộng và sâu những khía cạnh khác nhau của nghề phiên dịch, là những định hướng và lời khuyên đúng đắn cho những ai muốn theo đuổi nghề này. Ưu điểm lớn nhất của sách đó là tính thực tế cao và bố cục khoa học.

Bạn biết gì về nghề phiên dịch?

Không phải ai cũng hiểu hết được những công việc đặc thù mà một phiên dịch viên phải làm, có người chỉ nhìn vào bề ngoài bóng bẩy mà cho rằng chỉ cần chút vốn liếng ngoại ngữ là đã theo được nghề này. Bằng quan điểm của mình và góc nhìn từ các tài liệu khoa học, Lê Huy Khoa sẽ định nghĩa rõ ràng về Dịch thuật, Thông dịch và Biên dịch. Tiếp đó, đi sâu vào phương diện thực hành, ông chỉ ra những hình thức khác nhau của công việc này: Phiên dịch tuần tự, Phiên dịch nối tiếp, Phiên dịch thì thầm và Dịch lại… Vấn đề thứ 3 mà ông tập trung giải quyết là đặc tính của nghề phiên dịch. Đọc đến đây, ai muốn theo nghề có thể ý thức ơn những gì mình cần rèn luyện, cân nhắc khả năng mình có, với những người đang là phiên dịch viên cũng là một lần nhìn lại mình đã làm tốt đến đâu hay còn thiếu sót những gì.

Bản chất của cuộc sống là trải nghiệm thì phiên dịch là một trong những nghề mang đến nhiều trải nghiệm.

Đặc biệt, ở phần này tác giả cũng giải đáp những thắc mắc thú vị và thiết yếu với những người muốn theo nghề như: Độ tuổi nào làm phiên dịch tốt nhất?, Dịch từ Tiếng Việt sang ngoại ngữ hay ngược lại khó hơn?, Không học chuyên ngữ có thể làm phiên dịch được không?

Nghề phiên dịch có mức lương cao và điều kiện làm việc hơn những nghề khác nhưng đó cũng là món hàng cao cấp không phải ai cũng cần. Chính vì thế, nếu bạn không tự mình mài giũa khả năng của bản thân sẽ rất khó để thực sự sống với nghề.

Hành trang của một phiên dịch viên:

Lê Huy Khoa chia hành trang của một phiên dịch viên thành 2 phần: Kiến thức chuyên môn và Kỹ năng dịch thuật.

Về phần Kiến thức chuyên môn, Lê Huy Khoa chia thành 3 nhóm chính: từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và cách đặt câu. Kỹ năng bao gồm: Kỹ năng xử lí câu dịch và xử lí tình huống. Ông trình bày cách để luyện tập dịch thuật tại nhà, cách để kiểm tra khả năng bản thân đồng thời còn giải đáp để phiên dịch được bạn cần mất khoảng bao lâu để học và cần có khối lượng từ vựng ở mức độ nào? Để dịch thành thạo bạn cần tối thiểu 3000 từ vựng, 200 cấu trúc cơ bản và khoảng 2-3 năm để thành thục các kĩ năng.

Số liệu này còn tùy theo từng ngôn ngữ, ví dụ tiếng Hàn Quốc, toàn bộ kiến thức ngôn ngữ học của trường Đại học Quốc gia Seoul chỉ gồm 120 bài với khoảng 1800 từ vựng và 900 cấu trúc ngữ pháp

Nếu bạn còn đang loay hoay ở bước đầu học phiên dịch, thì chương này là dành cho bạn. Tác giả trình bày rất chi tiết những kĩ năng cần luyện, bài tập để tự luyện và các nguyên tắc cần tuân thủ.

Cần chuẩn bị gì trước một buổi phiên dịch?

Từ chương này trở đi tác giả sẽ tập trung vào những công việc thực tế liên quan đến một buổi phiên dịch thực tế. Với kinh nghiệm thực tế 20 năm và đức tính tỉ mỉ, cẩn thận của một người piên dịch kì cựu, đây là phần mà bạ sẽ học hỏi được rất nhiều từ sự chỉn chu, chuyên nghiệp và khoa học của Lê Huy Khoa.

Từ những mẹo nhỏ cần thiết khi làm hợp đồng, cách thoả thuận thù lao, cách để được tin tưởng và chọn làm người dịch cho đến việc soạn và chuẩn bị tài liệu. Mỗi phần đều được tác giả viết rất chi tiết bởi đó là những việc ông đã quen thuộc 20 năm qua. Lê Huy Khoa sẽ đi cùng bạn từng bước chuẩn bị từ lúc kí hợp đồng đến những phút sát giờ G.

Bạn đã biết phải làm gì để cho buổi dịch của mình diễn ra chuyên nghiệp và suôn sẻ nhất, chuẩn bị những đồ dùng gì, trang phục ra sao, tài liệu thế nào, suốt cả buổi dịch thì nên đứng ở đâu là phù hợp. Phiên dịch viên có nên chụp ảnh cùng hội nghị không, nên ngồi ở phía nào người dịch, nên đi đứng và duy trì khoảng cách thế nào?

Về cơ bản, bạn sẽ phải lùi một bậc/ bước so với thân chủ trong mọi trường hợp và tránh trường hợp nổi bật hơn so với nhân vật chính.

Làm gì khi bạn cẳng thế nhớ nổi đủ các loại chức vụ, tên tuổi của các đại biểu Việt nam mà nước ngoài không có vị trí tương đương. Đây là phần rất thú vị, vì những chi tiết nhỏ là minh chứng rõ nét cho sự chuyên nghiệp của bạn.

Nguyên tắc và các lưu ý khi phiên dịch:

Đây là phần tôi đánh giá cao nhất cuốn sách này về độ chi tiết, thực tế của nó. Ở chương này tác giả giải đáp 16 câu hỏi.

Đầu tiên ông định nghĩa một buổi phiên dịch tốt đặt ra những yêu cầu như định hướng cho các phiên dịch viên cần để đảm bảo một buổi dịch thật sự hiệu quả. Lê Huy Khoa còn nhìn thấy 2 vấn đề khó trong quá trình dịch đó là:

Khi phiên dịch nên sử dụng cấu trúc trực tiếp hay gián tiếp?

Phiên dịch có cần đưa cảm xúc của mình vào lời nói hay không?

Bên cạnh đó là những kinh nghiệm mang đậm tính cá nhân như: làm thế nào để tốc kí, có nên theo nghề piên dịch tự do, phiên dịch trong nhà máy nên lưu ý gì, có nên theo nghề phiên dịch tự do, những quy tắc bất thành văn trong nghề phiên dịch… Trong đó, kim chỉ nam mà bạn nên theo đuổi trong mọi trường hợp là:

Khách hàng là người nghe, vì vậy bạn nên tập trung vào các yếu tố thỏa mãn khách hàng để giúo họ lĩnh hội tốt nhất và đánh giá tốt về buổi phiên dịch

Phần 6 của cuốn sách cũng là một chương hay khi tác giả nêu ra cách giải quyết cho những sự cố bất ngờ có thể gặp phải;

Hồi hộp quá thì phải làm thế nào?

Quên ý của diễn giả phải làm sao?

Nghe không được thì làm gì?

Có nên cắt bớt hay thêm ý khi dịch hay không?

Kết thúc quy trình dịch thì nên làm gì?

Kinh nghiệm cá nhân của tác giả:

Phần cuối này sẽ là bạn bất ngờ và khâm phục bởi những trải nghiệm mà Lê Huy Khoa đã có không phải một phiên dịch viên nào cũng có thể mơ tới được. Ông so sánh phiên dịch bóng đá với phiên dịch thông thường và kể những trải nghiệm với tuyển U23. Đặc biệt, ông có rất nhiều câu chuyện về những người nổi tiếng, nhân vật có tầm cỡ mà ông đã được làm việc cùng. Đó là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch tập đoàn Trường Hải, chủ tịch tập đoàn SK Hàn Quốc, Phó chủ tịch tập đoàn LG, ông Võ Thành Thống - chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Thành Phong… Kết lại cuốn sách là một bộ sưu tập những câu hỏi khó đỡ được gửi đến tác giả. Có những tình huống khó xử, có tình huống hài hước, có nhiều câu hỏi sâu sắc, thú vị.

Nguồn: ybox.vn

 
Top