test

Hàn Quốc là đất nước nơi mà truyền thống và hiện đại được đan xen một cách hoàn hảo. Mỗi khi nhắc đến Hàn Quốc người ta sẽ không thể nào không nhớ đến những tòa nhà cao ốc chọc trời hay những khu mua sắm sang chảnh bậc nhất châu á. Thế nhưng, bên cạnh những khía cạnh hiện đại phù phiếm đó, người Hàn Quốc vẫn luôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống cổ kính mà đẹp đẽ, thanh lịch mà khiêm nhường. Một trong số đó là chính là văn hóa giao tiếp vừa lễ độ vừa nho nhã.
안녕하세요' (an-nyeong-ha-se-yo) – Câu nói đầu tiên có sử dụng kính ngữ trong tiếng Hàn Quốc chính là "Xin chào" 

Người Hàn Quốc sử dụng kính ngữ ở bất kì nơi đâu hay trong bất kì hoàn cảnh nào khi chào hỏi, đi cùng với đó là cái nắm tay thật chặt cùng một cái cúi đầu thật lâu thể hiện sự nhún nhường. Đó là sự tinh tế đã ghi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Hàn Quốc như một nét văn hóa truyền thống được truyền từ quá khứ đến hiện đại. 

Đối với bất cứ ai đã và sẽ tới Hàn Quốc, chắc hẳn cũng đều biết đến văn hóa giao tiếp có phần cứng nhắc của người Hàn. Sự cứng nhắc ở đây thể hiện ở chỗ, nó có quá nhiều quy tắc mà cho dù là người nước ngoài cũng vẫn phải “nhập gia tùy tục”. Một trong những quy tắc đầu tiên cần được nhắc tới chính là văn hóa tôn trọng người lớn tuổi và sự phân bậc trong giao tiếp theo độ tuổi. 

Trái ngược với hình ảnh trên các bộ phim truyền hình, dân số Hàn Quốc đang ngày càng có xu hướng già hóa. Tính tới năm 2017, dân số có độ tuổi trên 65 của Hàn Quốc chiếm tới 13,8% tổng tỉ lệ dân số. Chính vì lẽ đó, khi tới Hàn Quốc, bạn có thể dễ dàng bắt gặp người già đang tản bộ hay làm việc trên các con phố tấp nập. 
Xã hội Hàn Quốc luôn đề cao văn hóa "kính già yêu trẻ" 

Trong một xã hội như vậy, Hàn Quốc lại càng đề cao văn hóa “kính già yêu trẻ”. Sự kính trọng trong nét giao tiếp ứng xử của người Hàn Quốc dành cho người hơn tuổi thể hiện ngay từ tông giọng khi họ nói chuyện. Người Hàn Quốc có giọng nói khá lớn, đặc biệt là đàn ông. Tuy nhiên, khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn mình, nhất là người già, họ thường giảm âm lượng giọng nói xuống sao cho dễ nghe nhất, đồng thời cũng hơi cúi mình xuống để người đối diện không phải ngước lên để nhìn mình. Đặc biệt hơn cả, người Hàn vẫn luôn giữ thói quen cúi thật sâu khi chào hỏi.
Trẻ con Hàn Quốc đã được dạy cách cúi chào ngay từ khi còn nhỏ

Trong lời nói, họ sử dụng kính ngữ một cách trân trọng nhất, luôn luôn đề cập tới bản thân mình với tư cách là người thấp kém hơn. Đối với những người lớn tuổi, người Hàn Quốc có thể gọi họ bằng những từ thân tộc như một cách thể hiện sự kính trọng họ giống như kính trọng những bậc sinh thành. 

Đối với những người mới quen biết chưa biết rõ tuổi, người Hàn Quốc cũng rất cẩn trọng. Họ sẽ sử dụng kính ngữ để giao tiếp, và cho dù khi đã biết rõ tuổi tác của đối phương, nếu chưa được sự cho phép, họ cũng sẽ không bỏ kính ngữ trong lời nói của mình. Nét văn hóa này phổ biến khắp tất cả các tầng lớp người dân, dù đối phương có ở độ tuổi nào, giới tính nào hay thậm chí thuộc tầng lớp nào, khi chưa có sự cho phép, họ đều phải sử dụng kính ngữ trong giao tiếp. 
Hàn Quốc rất coi trọng địa vị xã hội

Ngoài tuổi tác, người Hàn Quốc còn rất coi trọng địa vị xã hội. Địa vị xã hội được đánh giá không chỉ bằng việc người đó kiếm được bao nhiêu tiền, mà còn bằng việc người đó làm ngành nghề gì. Các ngành nghề rất được coi trọng tại Hàn Quốc thường là các ngành nghề liên quan đến giáo dục hay y tế. 
Bác sĩ là ngành nghề rất được coi trọng tại Hàn Quốc

Trẻ em khi tới trường đều gọi giáo viên bằng ba tiếng '선생님' (seon-seng-nim) tức là “tiên sinh” - một cách gọi đầy tôn kính dành cho người thầy của mình. Hay tại các bệnh viện, người Hàn Quốc cũng thường gọi bác sĩ là '의사 선생님', (ưi-sa seon-seng-nim) hiểu nôm na là “ngài bác sĩ”. Ngoài ra, nếu sử dụng nghề nghiệp là phương tiện giao tiếp trong xưng hô thông thường, người Hàn Quốc sẽ dùng cấu trúc “nghề nghiệp + 님(nim)” như một cách gọi thể hiện sự tôn trọng của mình tới ngành nghề mà người đối diện làm và tới cả bản thân người nghe nữa.  
Các giáo viên được gọi là '선생님' (seon-seng-nim)

Cấu trúc này còn được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày bằng cách gọi “tên +님” cũng với ý nghĩa tôn kính tương tự.

Ngoài ra, cũng giống như tại bất cứ đất nước nào trên thế giới, người Hàn Quốc cũng rất coi trọng cấp bậc trong một tập thể. Người ta gọi đó là nét văn hóa sunbae/hubae hay là văn hóa tiền bối/hậu bối. Tiền bối là những người đi trước, người thuộc thế hệ trước; hậu bối, ngược lại, dùng để ám chỉ những người thuộc thế hệ sau. Những người cách biệt nhau về tuổi tác hay chức vụ đều có thể áp dụng cách gọi tiền bối/hậu bối này. 

Văn hóa tiền bối/hậu bối đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của từng người dân Hàn Quốc. Nét văn hóa này bắt đầu ngay từ trong các trường học, khi các “hậu bối” luôn phải nghe theo lời “tiền bối”, và “tiền bối” cũng phải có trách nhiệm dìu dắt và giúp đỡ “hậu bối” của mình. 
Trong tập thể, mối quan hệ tiền bối/hậu bối chính là mối quan hệ tương trợ lẫn nhau

Trong các công ty, thực tập sinh hay các nhân viên mới vào, vì là hậu bối, thường xuyên phải nghe theo lời sai bảo của các tiền bối, mà điển hình nhất là họ luôn là người phải nhận trách nhiệm mua cà phê cho cả phòng. Ngược lại, các tiền bối cũng sẽ là người đứng ra trả tiền cho những cốc cà phê đó, như một cách thể hiện sự quan tâm dìu dắt của mình tới các hậu bối. 

Ngoài trường học hay công sở, văn hóa tiền bối/hậu bối còn được thấy rõ nhất trong cách thức uống rượu của người Hàn Quốc. Những người ít tuổi hơn khi uống rượu sẽ không được nhìn thẳng về phía tiền bối, mà họ buộc phải quay đi hướng khác. Khi được tiền bối rót rượu, hậu bối cũng phải cung kính cầm ly bằng hai tay. 
Văn hóa uống rượu đặc biệt chỉ có tại Hàn Quốc

Sau này, văn hóa tiền bối/hậu bối ngày một phát triển và nó có sự ảnh hưởng nhất định đến đời sống của quốc gia này, bất cứ ai tới Hàn Quốc, cho dù họ đến từ đâu, cũng đều phải tôn trọng nét văn hóa đặc sắc này. 

Ngoài nét văn hóa tiền bối/hậu bối, người Hàn Quốc cũng thích được người đối diện đề cao, nói cách khác, họ thích được...nịnh. Có thể dễ dàng thấy trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc luôn xuất hiện hình ảnh các cậu nhân viên mới luôn kè kè bên cạnh để tâng bốc, nịnh bợ sếp. Cứ ngỡ rằng đó chỉ là những chi tiết gây cười để thu hút sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, hình ảnh đó đó cũng chính là một thực tế không chỉ tồn tại bên trong các công ty, mà còn là ở cả xã hội. Chính vì lí do đó, có một lời khuyên dành cho những người chuẩn bị làm việc với các đối tác Hàn Quốc rằng, hãy khen họ thật nhiều. Người Hàn Quốc thích được khen, và nếu bạn đối tốt với họ thì họ cũng sẽ đối đáp lại lòng tốt đó.

Người Hàn Quốc cũng thích được khen

Nhiều người mới tiếp xúc có thể cảm thấy văn hóa ứng xử Hàn Quốc rất khô khan và nhiều quy tắc, nhưng một khi đã thích ứng được với nó, bạn sẽ cảm thấy những quy tắc ấy được xây dựng nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa đáng trân trọng nhất ‒ sự quý trọng con người, tình yêu thương giữa người với người, sự cho đi và nhận lại. Đó là những nét văn hóa không chỉ mang bản sắc phương Đông truyền thống, mà mà còn mang trên mình những giá trị, bản sắc rất riêng chỉ có thể được tìm thấy ở Hàn Quốc. 

Xem thêm: Hiểu tính cách người Hàn Quốc để làm việc tốt hơn
.Nguồn: kpopnews.vn
 
Top