test


1. Các chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc

Hiện nay, các chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc hợp pháp gồm:

- Thứ nhất:Chương trình EPS là chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm của Hàn Quốc, được thực hiện từ tháng 8/2004 và đến nay đã có trên 66.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này. Đây là chương trình hợp tác quốc gia giữa Hàn Quốc và Việt Nam để phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc mang tính phi lợi nhuận, chi phí xuất cảnh thấp và có mức thu nhập cao (mức lương cơ bản hiện nay từ 22 triệu đến 30 triệu đồng/tháng). Cơ quan duy nhất được thực hiện chương trình EPS là Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) thuộc Bộ Lao động - TB&XH.

 - Thứ hai: Chương trình “Thẻ vàng”. Tuy nhiên, yêu cầu của chương trình này khá cao, đòi hỏi người lao động có trình độ từ đại học trở lên, biết ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Hàn tốt), có kinh nghiệm làm việc ít nhất hai năm, ưu tiên các ngành nghề như lập trình viên, tin học, công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu mới, Nano… Duy nhất ngành thợ hàn bậc cao cũng tuyển dụng theo chương trình thẻ vàng với thợ hàn cấp 3G, 4G, 5G, 6G. Đến nay cả nước có khoảng 400 lao động tham gia chương trình này.

 - Thứ ba: Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ. Chương trình này chỉ tuyển chọn lao động cư trú tại các tỉnh, thành phố ven biển, có đủ sức khoẻ, biết nghề biển.

2. Giới thiệu chương trình EPS 

1.1. Quy trình thực hiện

- Bước 1: Học tiếng Hàn: Người lao động tự học hoặc tham gia học tại các cơ sở dạy tiếng Hàn.
 - Bước 2: Tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn:
Bộ Lao động - TB&XH sẽ thông báo thể lệ kiểm tra, ngày kiểm tra và thời gian tiếp nhận đăng ký trên đài truyền hình, các cơ quan báo chí và các trang website: www.molisa.gov.vn; www.dolab.gov.vn; www.ttldnnvietnam.gov.vn. (Năm 2014 không tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn)
Người lao động đến đăng ký dự thi tại các Sở Lao động - TB&XH nơi đăng ký thường trú.
- Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển
Những lao động đạt yêu cầu về tiếng Hàn mua hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Sở lao động - TB&XH, sau đó kê khai và nộp về Trung tâm lao động ngoài nước. Hồ sơ đăng ký dự tuyển được kiểm tra, nhập vào máy tính và gửi sang Hàn Quốc để giới thiệu cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ngẫu nhiên.
- Bước 4: Nộp tiền, tham dự khoá bồi dưỡng kiến thức cần thiết và xuất cảnh
Khi người lao động được người sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng, Sở Lao động - TB&XH sẽ thông báo cho người lao động. Sau đó, người lao động phải tham dự một khoá đào tạo định hướng, kiến thức cần thiết và bổ túc tiếng Hàn trước khi xuất cảnh.
- Bước 5: Làm thủ tục xuất cảnh
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, Trung tâm lao động ngoài nước sẽ gửi công văn thông báo xuất cảnh cho người lao động.

1.2. Chi phí tham gia chương trình

Tổng chi phí tham gia chương trình là khoảng 25 đến 30 triệu đồng, gồm các khoản như sau:
- Lệ phí học tiếng Hàn: Người lao động có thể tự học hoặc nếu học tại các cơ sở dạy ngoại ngữ thì phải nộp theo thỏa thuận (thông thường mức học phí khoảng 2 đến 5 triệu đồng/03 tháng học).
- Lệ phí khám sức khỏe trước khi đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn : Từ 550.000đ đến 800.000 đ/người;
- Lệ phí đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn: 24 USD.
- Sau khi người lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, người lao động phải nộp các khoản sau:
+ Nộp 630 USD ( Thu bằng tiền VNĐ) tại Sở Lao động -TB&XH để trang trải các chi phí: Mua vé máy bay (350 USD), làm visa (50 USD), bồi dưỡng kiến thức cần thiết và xử lý hồ sơ (230 USD).
+ Nộp cho Trung tâm lao động ngoài nước : 2.400.000đ để thanh toán học phí bổ túc tiếng Hàn; 280.000 đ để mua trang phục; 100.000 đồng để đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; 225.000đ đối với nam và 250.000đ đối với nữ để kiểm tra lại sức khỏe trước khi xuất cảnh.
+ Mang theo 500 USD để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương theo Luật của Hàn Quốc khi nhập cảnh Hàn Quốc;
Ngoài các chi phí phải nộp như trên, theo quy định tại Quyết định số 1465/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủkể từ ngày 21/8/2013 người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội nơi cư trú. Khoản tiền ký quỹ này được hoàn trả (gồm cả gốc và lãi) khi người lao động hoàn thành hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn hoặc phải về nước trước thời hạn do điều kiện khách quan thiên tai, ốm đau, tai nạn,...), người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ.

          1.3. Kết quả thực hiện  
          - Từ năm 2004 đến tháng 8/2012: Toàn tỉnh Bắc Giang có gần 2.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
          - Từ tháng 8/2012 đến ngày 31/12/2013: Hàn Quốc tạm dừng chương trình EPS vì tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp quá cao.
          - Năm 2014: Chương trình được tiếp tục thực hiện theo bản ghi nhớ đặc biệt ký giữa Bộ Lao động - TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, bản ghi nhớ có hiệu lực 01 năm.
          Theo bản ghi nhớ đặc biệt, đối tượng được tham gia chương trình EPS trong năm 2014 gồm:
            + Những lao động đã đỗ các kỳ tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012. Chứng chỉ tiếng Hàn của những lao động này sẽ được gia hạn thêm 16 tháng để giới thiệu cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
          + Những lao động đã đăng ký và nộp lệ phí kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 nhưng chưa thi sẽ được tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn và những người đủ điểm sẽ được làm hồ sơ để giới thiệu cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
          + Những lao động về nước đúng hạn đã đỗ các kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt nhưng chưa được chọn thì sẽ được giới thiệu với người sử dụng lao động mới.
          Năm 2014, toàn tỉnh Bắc Giang có 744 người lao động được làm hồ sơ để giới thiệu cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Đến ngày 20/6/2014, đã có 259 người được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn và đang trong quá trình làm thủ tục để xuất cảnh.

          1.4. Các vấn đề cần chú ý  
- Mặc dù chương trình EPS là chương trình phi lợi nhuận, được các cơ quan nhà nước của Việt Nam và Hàn Quốc quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực nhưng thời gian qua vẫn có rất nhiều lao động bị các đối tượng xấu lừa đảo lấy tiền bằng các thủ đoạn như sau:

+ Lấy danh nghĩa là cán bộ hoặc có người nhà là cán bộ của Bộ Lao động - TB&XH, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm lao động ngoài nước,... để dụ dỗ, lừa gạt có khả năng tác động đưa lên mạng nhanh hoặc nhờ cơ quan bên Hàn Quốc giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn sớm.
+ Giới thiệu có khả năng gửi thông tin của người lao động sang Hàn Quốc "chào mời" chủ sử dụng lao động chọn nhanh hoặc có những tài liệu, chương trình ôn luyện tiếng Hàn, có người thi hộ hoặc hỗ trợ thi hộ đảm bảo thi đỗ 100%,… để thu tiền học tiếng Hàn với chi phí cao, thu tiền để chạy, lo thủ tục,...  

+ Sau khi biết được tình trạng hồ sơ của người lao động đã được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn trên trang web: www.eps.go.kr bắt đầu dụ dỗ người lao động nộp tiền để đi làm việc ở Hàn Quốc theo thời gian được thông báo trên mạng.  

- Việc người lao động được lựa chọn ký hợp đồng lao động là do chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn một cách ngẫu nhiên; không có cá nhân hay tổ chức nào có thể can thiệp vào việc ký hợp đồng lao động hay huỷ hợp đồng lao động. Do đó khi phát hiện đối tượng có hành vi lừa đảo, đề nghị người lao động thông báo ngay tới Thanh tra Sở Lao động - TB&XH (ĐT: 0977 484 989) hoặc Phòng Việc làm - An toàn lao động của Sở Lao động - TB&XH (ĐT: 0240 3529 266) để phối hợp với cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật./.
Theo Sở Lao Động Thương Binh & Xã Hội tỉnh Bắc Giang
 
Top