Số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho thấy, riêng năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đưa được 106.840 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 110 % so với kế hoạch đề ra trong năm là 90.000 lao động (giai đoạn 2011-2013, mỗi năm có khoảng 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Tại các thị trường trọng điểm truyền thống, số lượng lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tăng đáng kể so với năm 2013, cụ thể: tại Đài Loan là 62.000 lao động (năm 2013 là 46.000 người); tại Nhật Bản: gần 20.000 người (năm 2013: 9,6 nghìn); Hàn Quốc: gần 7.000 lao động; Malaysia: gần 5.000 (năm 2013: 7,5 nghìn); Ả Rập Xê Út: gần 4.000 lao động; Qatar gần 1.000 lao động.

Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường trọng điểm

Với 62.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), vùng lãnh thổ này là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2014. Đây cũng được coi là trọng điểm của xuất khẩu lao động trong năm 2015.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Tống Hải Nam nêu rõ, kể từ khi Việt Nam đưa lao động sang Đài Loan tới nay, đây là năm có số lượng đưa đi lớn nhất. Lý giải nguyên nhân có sự gia tăng mạnh mẽ số lượng lao động ta sang Đài Loan trong năm 2014, ông Tống Hải Nam cho rằng do những những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan kể từ cuối năm 2011 đến nay dẫn đến tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài gia tăng hàng năm. Tình hình cung ứng lao động của các nước khác (Thái Lan, Indonesia, Philippine…) có xu hướng giảm dần việc đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan. Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động Đài Loan.

Thị trường Đài Loan không chỉ gần gũi, thân thiện với người Việt Nam mà còn là thị trường khá dễ tính, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, có mức lương cơ bản thuộc hàng khá trong các thị trường hiện có (xấp xỉ 630 USD). Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ ở cả hai phía… chứng tỏ một sự phù hợp trên khá nhiều phương diện thực tế đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại địa bàn này.

Nhu cầu cung và cầu lao động đi thị trường Đài Loan liên tục tăng đã khuyến khích doanh nghiệp hợp tác xây dựng phát triển thị trường này. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cũng hứa hẹn là tín hiệu tích cực cho người lao động muốn đi xuất khẩu lao động tại thị trường này trong năm 2015.

Nhiều cơ hội làm việc và học tập tại Nhật Bản

Trong giai đoạn từ 2010 đến 2014 Việt Nam đã đưa sang Nhật Bản được gần 42.000 thực tập sinh, trung bình mỗi năm phái cử được trên 8.300 người. Riêng trong 2 năm 2013-2014, số lượng thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng vọt, đạt mức trên 10.000 người năm 2013, gần 20.000 người năm 2014 – tăng gấp 2 lần và 4 lần số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản năm 2010.

Nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa là 3 năm. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Trong khoảng 3 năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may; trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh. Ngoài ra, để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, từ 2015 đến 2020 Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây.

Thời gian tới, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản dự kiến là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Ngoài thực tập sinh, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý. Đây cũng là những cơ hội để lao động Việt Nam có thể sang làm việc và học tập tại Nhật Bản.

Nỗ lực giảm thiểu lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Tỷ lệ người lao động hết hạn hợp đồng không về nước (gần 40%) và ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao (14.000 lao động) đang là trở ngại chính cho việc đưa lao động sang thị trường này làm việc. Trong 2 năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam sang thị trường này có xu hướng giảm do phía Hàn Quốc không tổ chức thi tiếng Hàn và dừng tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Năm 2013, 2014, số lao động Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt 60-80% số lượng của năm 2010, riêng năm 2014, số lao động sang Hàn Quốc là hơn 7.000 lao động.

Để có thể ký lại Bản ghi nhớ đặc biệt về việc gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm Hàn Quốc (EPS), theo yêu cầu phía Hàn Quốc là giảm xuống dưới 30% vào cuối tháng 1/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; tuyên truyền, vận động người lao động tại Hàn Quốc và gia đình người lao động tại địa phương; đồng thời tiếp tục đề nghị phía Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt người lao động.

Bảo vệ tốt quyền và lợi ích của người lao động

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Ả rập Xê út từ năm 2003 và được đẩy mạnh từ năm 2006 sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng việc đưa lao động sang làm việc tại thị trường này. Hiện có 16.000 lao động Việt Nam do 50 doanh nghiệp đưa sang làm việc chủ yếu trong các ngành nghề xây dựng, nhà máy, vận tải, dịch vụ khách sạn và giúp việc gia đình. Phần lớn người lao động Việt Nam làm việc tại Ả rập Xê út được đánh giá cao về sự chăm chỉ, lành nghề, tiếp thu công việc nhanh. Thu nhập bình quân của người lao động từ 400 – 600 USD/tháng, được cung cấp miễn phí chỗ ở, 3 bữa ăn/ngày, được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động. Đối với lao động giúp việc gia đình thì ngoài ra còn được chủ sử dụng chịu mọi chi phí xuất cảnh từ vé máy bay, tiền dịch vụ, chi phí đào tạo, khám sức khỏe; mức lương tối thiểu là 350 USD/tháng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Quản lý lao động trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út để hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp phải cử cán bộ đại diện sang Ả rập Xê út để quản lý người lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh; hướng dẫn các doanh nghiệp về việc đưa người lao động sang làm việc tại thị trường này, trong đó chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo và tổ chức bộ máy quản lý lao động tại Ả rập Xê út.

Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký với Ả rập Xê út Thoả thuận về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đang thống nhất với phía Ả rập Xê út ban hành mẫu Hợp đồng lao động giữa lao động Việt Nam và chủ sử dụng lao động Ả rập Xê út để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động

Hướng đến mở rộng các thị trường có thu nhập cao

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, trong năm 2015, cùng với việc duy trì phát triển các thị trường truyền thống, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc mở rộng các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt cho người lao động, trong đó, ưu tiên vẫn là lao động đã qua đào tạo, có trình độ.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn định hướng cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, khai thác các hợp đồng tiếp nhận lao động kỹ thuật cao, lao động có trình độ, tay nghề; quan tâm, chú trọng tới công tác đào tạo nguồn lao động trình độ cao để đi làm việc ở nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết: hiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo Thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng. Trước mắt, trong năm có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Số người lao động Việt Nam trong 8 ngành nghề nói trên hoặc có trình độ, bằng cấp đạt tiêu chuẩn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các nước trong khối, đồng thời có điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tận dụng những cơ hội này. Vì vậy, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này dự báo sẽ có sự gia tăng trong năm 2015 – ông Tống Hải Nam nhận định.
Phúc Hằng (TTXVN)